Hãng tin Reuters cho biết, Nga đang vận chuyển hệ thống phòng không tân tiến SA-22 tới Syria. Theo đó, khi được đưa đến Syria, hệ thống SA-22 sẽ do chính binh sĩ Nga vận hành chứ không phải người Syria. Đây là một phần những động thái mà phương Tây tin là Nga đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Reuters dẫn lời một nhân viên tình báo phương Tây cho biết: "Hệ thống này là phiên bản tân tiến được Nga sử dụng và sẽ do người Nga vận hành tại Syria". Quan chức này nói thêm rằng lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực đang quan ngại về sự xuất hiện của loại vũ khí mới này.
Được biết, đây là một trong những hệ thống SA-22 cuối cùng được Nga chuyển cho Syria theo bản hợp đồng được hai bên ký kết hồi năm 2013. Theo đó, Syria đã đặt hàng 36 hệ thống SA-22 được thiết kế với mục đích bảo vệ các cơ sở quân sự và công nghiệp quan trọng cũng như phòng không trên chiến trường.
Trước khi công khai chuyển giao hệ thống SA-22 mới cho Syria, truyền thông Nga cũng đã thống kế được loại vũ khí và thiết bị quân sự Moscow đã chuyển giao cho chính quyền Damascus thời gian gần đây. Theo tờ Kommersant ngày 10/9, những vũ khí được Nga chuyển giao cho Syria có xe bọc thép BTR-82A, xe tải quân sự Ural cùng nhiều thiết bị quân sự hạng nhẹ khác.
Theo tờ báo này, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch viện trợ quân sự cho Syria cũng như đưa các chuyên gia quân sự từ Moscow sang quốc gia Trung Đông này đồng thời khẳng định việc chuyển giao vũ khí cũng như đưa các chuyên gia quân sự sang Syria thực hiện “phù hợp với luật pháp quốc tế và thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ hai nước”.
Việc Nga công khai chuyển vũ khí cho Syria đã được đích thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận. Theo đó, Moscow sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị quân sự cho Syria để đảm bảo cho nước này có được khả năng phòng thủ cần thiết.
Ông Lavrov phát biểu trước truyền thông: “Tôi có thể nói một lần nữa rằng các nhân viên quân sự của chúng tôi ở đó để bảo dưỡng trang thiết bị của Nga, giúp quân đội sử dụng các trang thiết bị này… Và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị quân sự cho chính phủ Syria để đảm bảo họ có được khả năng phòng thủ cần thiết để đối phó với mối đe dọa của khủng bố”.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng Moscow không hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar Assad, mà là hỗ trợ cuộc chiến của Damascus chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông còn kêu gọi những nước tham gia liên minh quốc tế chống nhóm cực đoan này hợp tác với quân đội Syria.
![]() |
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không SA-22. |
Tại sao Nga lại chuyển SA-22 cho Syria lúc này?
Dù Nga tuyên bố tất cả những vũ khí được nước này chuyển giao cho Syria trong thời gian qua là để hỗ trợ chính quyền Damascus trong những chiến dịch tiêu diệt các tay súng thuộc lực lượng vũ trang cực đoan IS tại nước này.
Tuy nhiên, lý do Nga đưa ra không mấy thuyết phục được phương Tây bởi nếu chỉ để đối phó với IS, Syria sẽ không cần đến hệ thống tên lửa phòng không SA-22 bởi IS hoàn toàn không có Không quân (ngoài một số chiến đấu cơ cũ IS chiếm được của chính quyền Iraq nhưng không thể cất cánh hoặc đã bị bắn hạ ngay sau đó).
Nghi ngờ trên hoàn toàn có cơ sở bởi trong thời điểm tình hình Syria căng thẳng nhất hồi năm 2013 khi Mỹ tuyên bố chuẩn bị tấn công Damascus, Nga cũng đã có động thái tương tự khi chuyển gia cho Syria một số lượng không xác định hệ thống tên lửa phòng không SA-22.
Theo phân tích của Tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada), có thể Syria đã cảm nhận được sức nóng của một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng từ bên ngoài do Mỹ đứng đầu vào Syria, và đây có thể là lý do duy nhất khiến Nga quyết định chuyển giao cho Syria hệ thống tên lửa SA-22 lúc này.
Vậy tại sao không phải là vũ khí khác mà lại là SA-22 lúc này? Theo phân tích của Kanwa, trong những cuộc chiến tranh Mỹ tham gia gần đây, màn "khởi đầu" bao giờ cũng là tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ chiến hạm Aegis và đối phó với những mục tiêu kiểu tên lửa hành trình này của Mỹ chính là mục đích thiết kế SA-22 của người Nga.
Theo phân tích này, dù cực nguy hiểm nhưng điểm yếu lớn nhất của Tomahawk là tốc độ hành trình khá chậm, vì vậy nó rất dễ bị bắn hạ bởi những hệ thống phòng không hiện đại như SA-22.
Theo thiết kế, SA-22 là sự kết hợp giữa 2 pháo bắn siêu nhanh 2A38M 30mm, pháo này có tốc độ bắn lên đến 2500 viên/phút, phạm vi tiêu diệt mục tiêu 4km cùng 12 tên lửa đánh chặn 57E6 hoặc 57E6-E. Đây là một tên lửa nhiên liệu rắn 2 giai đoạn được dẫn hướng bằng vô tuyến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét